Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận được hàng loạt đơn hàng lớn khi vừa khai xuân và kỳ vọng ngành gạo tiếp tục tỏa sáng trong năm 2023.
Đầu tháng 2, giá gạo trên thị trường thế giới biến động khá mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 5/2 đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm qua.
Tuy nhiên, mức giá này hiện vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 20 USD và thấp hơn gạo Pakistan 10 USD/tấn. Trước đó, vào tháng 12/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức cao nhất thế giới với khoảng 438 USD/tấn; gạo 25% ở mức 418 USD/tấn (cao hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn).
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – cho biết, thường cuối vụ giá gạo rất thấp nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta lại bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ Đông Xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn.
Theo ông Nam, giá gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm 2023 tăng cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn.
“Hiện nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi…đang tích cực thu mua gạo dự trữ. Riêng Philippines – thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam – đã có những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu cho năm 2023 khi nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu ở mức 35%”, ông Nam nói.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu năm 2022 đạt 7,11 triệu tấn và 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về khối lượng và tăng 5,1% về giá trị so với năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2022 đạt 486,2 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022 với 43,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2022 đạt 3,21 triệu tấn và 1,49 tỷ USD, tăng 30,7% về khối lượng và tăng 19% về giá trị so với năm 2021.