Nghệ An: Cú hích để logistics phát triển

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và phát huy nội lực, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Nghệ An có sự đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều vùng, miền trong tỉnh.

Đột phá hệ thống hạ tầng giao thông

Những năm gần đây, Nghệ An đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông. Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, Nghệ An từng bước cải thiện, tạo sự đột phá trong phát triển hệ thống giao thông. Bộ GTVT đã đồng ý chuyển hàng trăm km đường tỉnh thành quốc lộ (QL) nên việc nâng cấp, duy tu các tuyến đường thuận lợi hơn.

z3717324208967_2e6100e1dde942ceec8fb5ddb99706c2.jpg

Đồng thời, quan tâm giúp đỡ Nghệ An cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nền, mặt đường và hàng trăm Km đường QL qua địa bàn, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải ngày càng tăng. Các tuyến QL7 và QL 48 theo trục Đông – Tây, dài hàng trăm Km lên các huyện tây Nghệ An đã được nâng cấp mở rộng gấp hai lần so với trước, giúp miền tây Nghệ An xích gần với miền xuôi. Đường Hồ Chí Minh đi qua các vùng trung du đã góp phần đánh thức tiềm năng về nông nghiệp. Tuyến đường đang trở thành “xa lộ” nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh với trang trại bò sữa công nghệ cao lớn nhất cả nước cùng các nhà máy chế biến đường, sữa, gỗ; các trang trại cây ăn quả…

Đến nay, tỉnh đã trích ngân sách hàng nghìn tỷ đồng làm hơn 30 Km đường N5 nối Khu kinh tế Đông Nam với Đô Lương; phối hợp đầu tư hàng chục Km nối QL1A (đoạn thị xã Hoàng Mai) với QL48 (đoạn thị xã Thái Hòa) nay là tuyến QL48D, phối hợp đầu tư cầu Cửa Hội… Với những chính sách hợp lý, Nghệ An từng bước xã hội hóa đầu tư hệ thống giao thông.

Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Hoàng Phú Hiền cho biết: Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành có ý nghĩa quan trọng đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Mỗi năm, hàng triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua các tuyến đường này, góp phần giảm chi phí logistics. Một số dự án quan trọng khác như: đại lộ Vinh – Cửa Lò, đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò, các tuyến đường Tây Nghệ An và một số đoạn trên các tuyến QL huyết mạch cũng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông của tỉnh.

z3717324204911_68c1444d8b7464438b4b27967cd350ca.jpg

“Cú hích” để logistics phát triển

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, kết nối giao thương bắc nam và nước bạn Lào, Nghệ An thuận lợi phát triển cả bốn loại hình giao thông. Ngoài đường bộ, Nghệ An còn có hệ thống cảng biển, sân bay và đường sắt. Cảng hàng không quốc tế Vinh ban đầu chỉ một tuyến Vinh – TP Hồ Chí Minh, đến nay đã khai thác 10 tuyến bay nội địa và quốc tế, hằng năm phục vụ hàng triệu hành khách. Sân bay Vinh đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế, tiếp tục được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tỉnh và khu vực. Hệ thống đường sắt được duy tu, sửa chữa, bảo đảm hoạt động hiệu quả, an toàn… Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư, phát triển một loạt bến cảng tại Cửa Lò và Nghi Thiết. Trong đó có hệ thống cảng Vissai và cảng xăng dầu DKC đón tàu chuyên dùng 50 nghìn đến 70 nghìn tấn phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, hệ thống cảng nước sâu quy hoạch ở khu vực Đồng Hồi và Cửa Lò đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

z3717324832112_f87d45df7907a47be5e716d4afc4bff1.jpg
Cảng hàng không Quốc tế Vinh – Nghệ An

Trong những năm qua, hạ tầng giao thông và cảng biển Nghệ An được cải thiện đáng kể, nên nhu cầu kết nối, tìm kiếm dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà xuất nhập khẩu trong khu kinh tế với cảng biển ngày càng cao.

Đối với Cảng Nghệ Tĩnh hiện có: 2 khu vực cảng tại Cửa Lò và Bến Thủy, với 4 cầu tàu có tổng chiều dài cầu tàu là 800 mét; hệ thống kho bãi với diện tích gần 150.000 m2; diện tích mặt bằng cảng 26.000 m2; cầu tàu 1 và 2 có độ sâu từ -8,5 mét có thể cho tàu 15.000 tấn vào; cầu số 3, số 4 có độ sâu -9,5 mét để tàu 25 ngàn tấn có thể vào. Năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua cảng Nghệ Tĩnh là 4,649 triệu tấn, trong đó hàng container là 86,449 teus. Năm 2022, lần đầu tiên Cảng Cửa Lò đón tàu quốc tế chở 1.000 teus, tương đương 23.000 tấn vào cập cảng. Để đáp ứng nhu cầu giao thương, vận tải hàng hóa, cảng đang được đầu tư xây dựng cầu tàu số 5 và số 6 với độ sâu -13,7 mét để tàu 70.000 tấn có thể tiếp nhận, chuyển tải được.

Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư, đồng thời tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn chỉnh các công trình dở dang và tập trung tháo các điểm “tắc nghẽn” giao thông để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nghệ An mong muốn trung ương ưu tiên đầu tư để tăng hệ thống cầu cứng bắc qua sông Lam, sông Con… nhằm phát huy hết công năng các tuyến quốc lộ Đông – Tây, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho các huyện miền núi. Đồng thời, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ, khai thông một số vướng mắc, trong đó ưu tiên kinh phí đầu tư kè chắn sóng ở cụm cảng phía bắc cảng Cửa Lò và Đồng Hồi để làm cảng nước sâu, đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư.

z3717324205960_3191747b6db3ee75dea34cdf36dcd18d.jpg

Trong chuyến làm việc với tỉnh Nghệ An mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Nghệ An làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, huy động vốn từ nhiều nguồn để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Vinh, dự án cảng nước sâu Cửa Lò, dự án cao tốc kết nối Cửa Lò với huyện Nam Đàn, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là 3 dự án trọng điểm, cùng với cao tốc Bắc – Nam và tuyến đường ven biển đang triển khai sẽ tạo động lực và không gian phát triển mới cho địa phương. Thủ tướng giao các cơ quan hướng dẫn tỉnh Nghệ An, phấn đấu hoàn thành các thủ tục chuẩn bị trong năm 2022.

Nguồn: vlr.vn

.
.
.
.